The system is processing. Please wait a moment!
Vui lòng lựa chọn loại báo giá!
Quy Trình Nuôi Tằm Lấy Tơ
MỤC LỤC NỘI DUNG
Mô hình nuôi tằm lấy tơ được bắt nguồn từ đâu?
Tằm bản chất là một loại sâu ăn lá, có lẽ nó cũng sẽ bị tiêu diệt như bao loài sâu ăn lá phá hoại mùa màng khác nếu như con người không phát hiện ra sự đặc biệt của chất mà nó nhả ra trong quá trình sinh trưởng và phát triển, đó chính là tơ tằm, những sợi tơ trong suốt mỏng manh, nhưng lại có độ bền chắc và vẻ đẹp óng ánh quyến rũ. Tại Việt Nam, theo thần tích làng Cổ Đô, huyện Ba Vì thì nghề chăn tằm, ươm tơ đã có từ thời vua Hùng Vương thứ 6 do công chúa Thiều Hoa khởi nghiệp. Trải qua thời gian lụa tơ tằm trở thành thứ vải “thượng hạng” của Việt Nam, mang ý nghĩa dân tộc sâu sắc. Vậy có khi nào bạn thắc mắc về quá trình nuôi tằm lấy tơ được diễn ra như thế nào không? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về “ Quy trình nuôi tằm lấy tơ” qua bài chia sẻ dưới đây nhé!
Quy trình nuôi tằm lấy tơ
Tục ngữ Việt Nam có câu “Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng” để cho ta thấy được sự khó khăn, vất vả của những người làm nghề trồng dâu – nuôi tằm – ươm tơ – dệt lụa. Để có được thành phẩm cuối cùng là những kén tơ chất lượng người nông dân phải trải qua rất nhiều giai đoạn chăm sóc,nuôi tằm tỉ mỉ và công phu.
-
Trồng dâu
Để trồng được cây dâu, phải chọn được loại đất có độ pH từ 6.5 – 7. Đất phải có độ mặn thấp, thì cây mới có thể sinh trưởng tốt. Môi trường sinh trưởng tốt của cây thường phải mát mẻ, không được quá cao hoặc quá thấp. Cây dâu không sống được khi nhiệt độ ngoài trời lên đến 40 độ C, còn nếu nhiệt độ là 0 độ C thì cây sẽ ngừng sinh trưởng.
Cây dâu cần có đủ ánh sáng để lá cây được to và dày. Thời gian cây cần hấp thụ ánh sáng trong một ngày phải từ 10 tiếng cho đến 12 tiếng. Với lượng thời gian như vậy, thân cây mới khỏe và lá dâu mới đạt được chất lượng cao. Mặc dù cây có khả năng chịu hạn, nhưng cần tưới nước để cây có thể được tồn tại. Và để đảm bảo được tất cả các yếu tố đó, cây dâu sẽ được trồng vào khoảng tháng 3 trong năm.
-
Nuôi tằm
Nuôi tằm là một giai đoạn rất quan trọng để thu lại được các sợi tơ chất lượng. Tằm cũng phát triển tốt vào những khoảng thời gian mát mẻ, từ 20 độ C cho đến 30 độ C. Chất lượng của sợi tơ cũng phụ thuộc vào môi trường sống của con tằm, nên nếu như nuôi tằm dưới 20 độ C hoặc trên 30 độ C thì tằm sẽ cho ra sợi tơ có chất lượng kém hơn.
Vì vậy khoảng thời gian thích hợp để nuôi tằm sẽ vào mùa xuân và mùa thu, đây là hai mùa có không khí mát mẻ nhất trong năm. Mỗi con tằm sẽ lột xác 4 lần, và thời gian để nhả tơ thường là từ 25 ngày đến 30 ngày kể từ khi bắt đầu nuôi. Thức ăn chính của tằm chính là lá dâu, cần lựa chọn loại lá thích hợp cho từng loại tằm, cần chọn lá dâu có nhiều nhựa và có màu xanh đậm, để đảm bảo được sự phát triển tằm cũng như cho ra được sợi tơ chắc chắn nhất.
Lá dâu cần được cắt nhỏ trước khi cho tằm ăn, và chỉ cho ăn khi con tằm còn thức. Tằm sẽ ngủ hai ngày trước khi lột xác, đây sẽ là thời điểm ngừng cho ăn. Sau khi đã lột xác được 4 lần, tằm sẽ ăn lượng thức ăn lớn hơn rất nhiều, và đây cũng là giai đoạn tằm chuẩn bị tạo kén. Khi thấy thân hình tằm trơn, da bóng, chuyển màu vàng trong suốt thì lúc này con tằm sẽ tìm đến nơi ở phù hợp để nhả tơ.
-
Ấp trứng
Trứng tằm sau khi đẻ khoảng 9-10 ngày sẽ nở vì vậy nên ấp trứng ở điều kiện tự nhiên trong nhà. Nhiệt độ ấp trứng từ 25-27 độ C. Đối với mùa thu và mùa xuân thời tiết lạnh nên giữ chúng ở phòng ấm. Đối với mùa hè vì thời tiết nóng nực nên tráng để nóng trên 30 độ C, sẽ có nguy cơ trứng chết và ảnh hưởng đến quá trình ấp trứng, ấp không đều của tằm. Cung cấp độ ẩm từ 80-90%. Ánh sáng tự nhiên ngày sáng đêm tối.
-
Băng tằm
Là công việc cho tằm ăn đầu tiên khi tằm cắn vỏ trứng chui ra. Thời gian bằng tằm từ 8-10 giờ sáng đối với mùa đông còn đối với màu hè sẽ băng tằm sớm hơn từ 7-8 giờ sáng. Khi tằm nở tập trung thì thái đầu nhỏ bằng các sợi đều nhau sau đó rắc lên tờ trứng để từ 10-15 phút tằm bò lên ăn dâu tiến hành băng tằm.
Nếu trứng nở chưa hết thì băng lại. Thường trứng nở tập trung từ 1-2 ngày nhưng cũng có thể kéo dài tiws 3 ngày, ngày đầu nở vài con, ngày thứ 2 nở 60-65%, ngày tiếp theo nở số còn lại. Tuy nhiên trong nuôi tằm thường sử dụng hai loại trứng là trứng rời và trứng hộp, vì vậy cách băng tằm sẽ có khác nhau.
+ Đối với trứng rời : khi tằm nở đều rắc dâu, lúc này tằm sẽ bò lên lá dâu, dùng lông gà quét tằm sang khay nuôi tằm khác để cho ăn bữa thứ 2.
+ Đối với trứng hộp : Đổ trứng ra hộp giấy, đặt lên khay tằm, đến khi tằm nở đều rắc dâu cho tằm ăn,trước khi cho tằm ăn bữa thứ 2 chuyển dâu và tằm sang khay nuôi tằm để loại bỏ vỏ trứng.
-
Cho tằm ăn, ngủ
Thức ăn chính của tằm là lá dâu nên, trong giai đoạn này thì cần hái lá dâu từ trên ngọn và lá dâu phải đảm bảo về độ sạch sẽ cũng như độ tươi của lá dâu. Đối với tằm con trong giai đoạn vừa băng tằm sẽ có rất nhiều vấn đề cần cung cấp đủ về thức ăn cũng như các nguồn năng lượng khác để đảm bảo tằm phát triển một cách tốt nhất.
Tằm ngừng ăn dâu, mình vàng và bóng là tằm ướng ngủ, lúc này ngừng cho ăn để mô tằm mỏng, sau khi tằm dậy đều thì cho ăn trở lại. Trong quá trình tằm ngủ đến khi tằm thức thì tiến hành rắc thuốc phòng bệnh.
-
Thay phân và giản tằm
Thay phân cho tằm vào tuổi thứ 5 sau khi ăn và kết hợp với giản tằm : đặt lưới lên mô tằm, cho tằm ăn khoản 2 bữa thì nhắc lưới ra chỗ trống. Dọn phân chỗ vừa thay và thay chỗ tiếp theo bằng cách cuốn chiếu. Nếu nuôi tằm bằng dâu cành thì hoàn toàn không phải thay phân trong quá trình nuôi. Giản tằm bằng cách cứ mỗi bữa cho ăn thì trải lá dâu rộng hơn luống tằm từ 3-5cm lúc này tằm sẽ tự bò ra ăn và giãn khoảng cách. Trong quá trình cho ăn thấy chỗ nào dày, bốc tằm san sang chỗ còn trống.
-
Nhả tơ
Khi tằm bắt đầu nhả tơ, tằm sẽ được đưa lên né để thực hiện giai đoạn này. Né được làm bằng tre hoặc gỗ, tuy nhiên hiện nay thử nghiệm cho thấy rằng né gỗ đem lại hiệu suất cao hơn. Sử dụng né gỗ giúp hạn chế được tỷ lệ hai con nằm chung một tổ. Né được chế tạo với kích thước 1m × 1m, có nhiều lỗ nhỏ, và tằm sẽ nhả tơ theo từng lỗ nhỏ này.
Tằm sẽ nhả tơ từ ngoài vào trong, thời gian nhả tơ thường kéo dài từ 3 ngày đến 8 ngày. Con tằm có một tuyến nước bọt rất đặc biệt, trong nước bọt có chứa protein, khi chất lỏng này được đưa ra ngoài không khí, chúng sẽ khô và tạo thành các sợi tơ óng ả. Tằm sẽ nhả tơ từ ngoài vào trong, phần ngoài tơ được nhả ban đầu sẽ lá áo kén, sau đó con tằm sẽ chạy quanh bên trong chiếc áo kén này và nhả tơ đầy kén.
Sau khi đã nhả tơ xong, tằm sẽ biến thành nhộng. Thông thường khi nhả tơ, né sẽ được đưa ra ngoài ánh nắng nhẹ, giúp cho tơ được khô và có màu vàng óng ả. Khi đã có kén tơ hoàn hỏa, chúng sẽ được đem đi ươm tơ.
-
Ươm kén
Trước khi ươm tơ, phần kén sẽ được chọn lọc lại đê bỏ đi các kén bẩn, kém chất lượng, thối hay thủng đầu. Chỉ chọn những kén có nhiều tơ, và chung kích thước và hình dạng. Thời gian ươm tơ chỉ được kéo dài từ 7 ngày đến 10 ngày, nếu như để quá lâu, ngài sẽ chui ra và cắn đứt sợi tơ. Để sợi tơ bị đứt thì khi ươm, sợi sẽ không còn được nguyên vẹn, và chúng cũng sẽ không được mịn nữa.
Cho các kén vào một nồi nước sôi lớn, khuấy đều cho các kén nổi lên trên. Khi lớp áo đã bong ra, tìm mối gốc của tơ và rút ra, cho sợi tơ vừa rút lên guồng tơ nằm ngang trên nồi để quấn lại. Sợi tơ vừa mới rút ra được gọi là tơ thô, và sau đó chúng sẽ được se lại với nhau.
Một số giống tằm phổ biến hiện nay
Tuỳ từng địa phương và trình độ kỹ thuật nuôi tằm mà các vùng có cơ cấu giống tằm khác nhau. Nguyên tắc chung là tằm lưỡng hệ kén trắng có năng suất chất lượng cao hơn thường được nuôi vào thời vụ mát mẻ, dễ nuôi vụ Xuân-Thu. Tằm vàng (Đa hệ x Lưỡng hệ; Đa hệ nguyên) được nuôi vào thời vụ nóng ẩm (vụ hè) và vùng dâu trình độ chăn tằm còn yếu.
Một số giống tắm đang được nuôi phổ biến ở Việt Nam hiện nay:
- Giống tằm tứ nguyên TN1827 là giống kén trắng của Việt Nam được lai tạo chọn lọc thành công ở Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ TW, vòng đời phát dục khoảng 22 đến 24 ngày, tằm to con da màu xanh, ăn dâu khoẻ và sạch dâu. Tuổi 5 thường 6 – 6,5 ngày thì chín. Kén bầu hơi eo. Năng suất đạt từ 14 -15 kg kén/vòng trứng. Thích hợp nuôi ở vụ Xuân-Thu vùng đồng bằng sông Hồng.
- Giống GQ2218 được chọn lọc thành công ở Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ TW. Năng suất của 1 vòng trứng là 13 đến 14 kg. Nuôi tốt ở vụ Xuân-đầu Hè-cuối hè và Thu, chiều dài tơ từ 800-900m, kén dễ ươm.
- Giống LQ2 Trung Quốc:
- Cặp đầu 7 (732 x 9532) kén thắt eo hơi nhỏ vỏ trứng sau khi nở có màu trắng, nuôi tốt ở thời kỳ nóng ẩm, năng suất đạt từ 13-14 kg kén/vòng trứng giống. Tơ dễ ươm, chất lượng tơ tốt, tỷ lệ tiêu hao kén/tơ thấp. Tỷ lệ nhộng chết cao (có thể >50%).
- Cặp đầu 9 (9532 x 732) Vỏ trứng sau khi nở có màu vàng, nuôi tốt trong điều kiện khí hậu ôn hoà. Năng suất kén đạt từ 14-15kg/vòng trứng. Kén to và tròn hơn đầu 7. Chất lượng tơ tốt. Tỷ lệ nhộng chết cũng cao.
- Giống kén vàng VK x TQ (VT x TQ) là giống tằm đa hệ lai nuôi tốt vào thời kỳ nóng ẩm của vụ hè (tháng 6, 7, 8 ở Bắc Bộ). Tằm to con, ăn khoẻ, tuổi 5 ăn dâu 5-6 ngày thì chín. Năng suất đạt từ 12-13 kg kén/vòng trứng. Tuy nhiên giá chỉ bằng 2/3 giá kén trắng.
Ứng dụng của kén tằm trong đời sống thực tiễn
Kén tằm là sản phẩm tự nhiên của những chú tằm khi bắt đầu thời kỳ “bế quan” để chuyển hóa thành bướm. Dù nhỏ bé nhưng kén tằm có rất nhiều những ứng dụng hữu ích trong cuộc sống.
- Nuôi tằm lấy tơ để sản xuất vải lụa tơ tằm. Lụa tơ tằm là một trong những chất liệu vải cao cấp có khả năng thấm hút tốt, không bị ám mùi, dễ làm sạch, có độ bóng ánh kim tự nhiên.
- Kén tằm được dùng để làm đẹp. Kén tằm ngâm trong nước ấm sẽ làm tan chất keo Protein chống lão hóa, lúc này chính là kén tằm làm đẹp. Kén tằm làm đẹp thường được cắt 1 đầu, để tạo thành cấu trúc lỗ, có thể xỏ ngón tay vào massage da, làm sạch hoặc tẩy trang.
Hiện nay mô hình nuôi tằm lấy tơ đang được nhà nước khuyến khích đẩy mạnh bởi vì lợi ích kinh tế mà nó mang lại cho người dân. Ngành dâu tằm tơ đã góp phần giúp cho nhiều hộ nông dân thoát nghèo, xây dựng kinh tế gia đình vững mạnh. Với giá kén tằm đang ở mức cao giao động từ 180.000 - 200.000 đồng/kg. Người trồng dâu nuôi tằm có thu nhập ổn định, vì vậy việc mở rộng quy mô cũng như xây dựng mô hình áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến để việc trồng dâu nuôi tằm phát triển bền vững là việc làm rất cần thiết.